Tuesday, December 25, 2018

Đà Nẵng tiếp tục làm việc với Thanh tra Chính phủ về bán đảo Sơn Trà

UBND TP.Đà Nẵng sẽ tiếp tục giải trình nhiều nội dung liên quan các dự án xây dựng được triển khai trên bán đảo Sơn Trà.
Đà Nẵng tiếp tục làm việc với Thanh tra Chính phủ về bán đảo Sơn Trà
Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm về quản lý đất đai ở bán đảo Sơn Trà. ẢNH HOÀNG SƠN
 
Nguồn tin Thanh Niên cho biết, ngày 26.12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục làm việc với UBND TP.Đà Nẵng về một số nội dung liên quan đến kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà.
Tại cuộc làm việc này, dự kiến, đại diện UBND TP.Đà Nẵng sẽ giải trình nhiều nội dung liên quan đến các dự án xây dựng được triển khai xây dựng trên bán đảo Sơn Trà. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng phải giải trình thêm nhiều nội dung liên quan đến các dự án xây dựng ở khu đô thị quốc tế Đa Phước.
 
Được biết, cuộc làm việc này dự kiến được tiến hành từ cuối tháng 11 và sau cuộc làm việc này Thanh tra Chính phủ sẽ công bố kết luận thanh tra. Tuy nhiên, UBND TP.Đà Nẵng đã đề nghị lùi thời gian làm việc với Thanh tra chính phủ.
Từ tháng 12.2017, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định pháp luật đất đai, bảo vệ rừng, môi trường và xây dựng tại bán đảo Sơn Trà. Mặc dù thời hạn thanh tra thực tế đã kết thúc từ rất lâu, nhưng do nhiều lý do, đến nay kết luận thanh tra này vẫn chưa được công bố.
 
Theo nguồn tin Thanh Niên, trong quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ 2 dự án tới Cơ quan điều tra Bộ Công an để điều tra. Các dự án này gồm 137 biệt thự thuộc khu vực tây nam Suối Đá và dự án Khu du lịch sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn - Bãi Đa.
 
Được biết, đến nay, cơ quan chức năng phát hiện cả 2 dự án này có hàng loạt vi phạm như chưa thực hiện các quy định và thủ tục về quản lý đất đai, quản lý rừng nhưng đã được UBND TP.Đà Nẵng cấp “sổ đỏ” để triển khai xây dựng dự án.
Đáng chú ý, 1 trong 2 dự án này thuộc sở hữu của Công ty cổ phần xây dựng 79 của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”), là dự án Khu du lịch sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn - Bãi Đa. Dự án này có tổng diện tích sử dụng đất lên tới 955.886 m2 có nguồn gốc là đất rừng và đã được chuyển giao cho Công ty cổ phần xây dựng 79 từ năm 2012.
 
Năm 2015, UBND TP.Đà Nẵng căn cứ vào đề xuất của Sở Tài nguyên - Môi trường đã cấp 33 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 154.968 m2 trong phần đất của dự án cho Công ty cổ phần xây dựng 79. Việc cấp "sổ đỏ" cho 33 lô đất này theo xác định của cơ quan chức năng là sai phạm rất nghiêm trọng, gây thất thoát cho nhà nước nhiều tỉ đồng.
Trong khi đó, vụ việc 137 biệt thư khu tây nam Suối Đá với tổng diện tịch 313.000 m2 có nguồn gốc là đất rừng cũng là một ẩn số rất lớn. Tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 5.10.2017 của đại biểu Quốc hội, cử tri TP.Đà Nẵng đã đặt ra nhiều câu hỏi về 137 biệt thự này là của ai, thuộc dự án nào để người dân giám sát, nhưng cử tri phản ánh đã không nhận được bất cứ câu trả lời nào của cơ quan chức năng.
Đến tháng 8.2017, UBND TP.Đà Nẵng đã có báo cáo Chính phủ về kết quả rà soát các dự án trên bán đảo Sơn Trà, song báo cáo cũng không đề cập đến 137 biệt thự nêu trên. Trong khi đó, đã có những thông tin xác thực từ lãnh đạo Đà Nẵng cho biết trong khu vực dự án có những lô đất có diện tích trên 300 m2 đã được chuyển quyền sử dụng đất với mức giá 2,5 triệu đồng/m2 để xây biệt thự sinh thái.

Thursday, December 13, 2018

Người Trung Quốc đang làm gì ở thị trường bất động sản Việt Nam?

Thị trường bất động sản đang ghi nhận làn sóng người Trung Quốc (gồm cả Đài Loan, Hong Kong) đổ sang Việt Nam để mua nhà và đầu tư dự án.
Người Trung Quốc đang làm gì ở thị trường bất động sản Việt Nam?
Thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn đối với nhà đầu tư Trung Quốc
Từ khách mua nhà…
Những ngày gần đây, giới bất động sản xôn xao về thông tin số lượng người Trung Quốc mua nhà tại Việt Nam tăng vọt do một công ty nghiên cứu thị trường đưa ra. Mặc dù đơn vị này khẳng định, con số trên được rút ra từ những giao dịch thực tế mà họ thực hiện và không mang tính bao quát cả thị trường.
Tuy nhiên, những con số này phần nào cũng cho thấy tầm ảnh hưởng của người Trung Quốc đến thị trường bất động sản Việt Nam đang ngày một tăng lên.
Theo đơn vị nghiên cứu thị trường trên, trong năm 2017, lượng khách hàng người Trung Quốc mua nhà tại Việt Nam chỉ chiếm 4%, thì trong năm 2018, người mua Trung Quốc đại lục vươn lên dẫn đầu thị trường, chiếm 31% giao dịch trong 9 tháng đầu năm 2018. Nếu tính cả người mua Hong Kong và Đài Loan, tỷ lệ này lên tới 44%.
“Nếu hai năm trước lượng khách đến từ Hàn Quốc là đông đảo nhất thì hiện nay số lượng khách mua từ Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan đang dẫn đầu về các hoạt động đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài tập trung nhiều ở phân khúc căn hộ cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng, nhiều nhất vẫn là phân khúc căn hộ cao cấp ở những khu vực trung tâm TP.HCM , một đại diện của đơn vị nghiên cứu cho biết.
Tổng giám đốc một công ty bất động sản tại TP.HCM cho biết, hiện nay chưa có một báo cáo chính thức nào đủ khách quan và chính xác về số lượng người nước ngoài nói chung, và người Trung Quốc nói riêng sở hữu nhà ở Việt Nam.
“Hiện nay tình hình kinh tế Trung Quốc cũng có nhiều biến động, đặc biệt là ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã phần nào tác động đến lựa chọn đầu tư của người dân. Với một thị trường bất động sản còn nhiều tiềm năng, vị trí gần và có nhiều điểm tương đồng về văn hóa thì Việt Nam là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư đến từ Trung Quôc là điều dễ hiểu”, vị tổng giám đốc này cho biết.
…đến làm chủ dự án
Không chỉ sở hữu nhà, những năm gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng thể hiện rõ tham vọng tại sân chơi bất động sản Việt Nam khi liên tục thâu tóm, làm chủ đầu tư nhiều dự án.
Người Trung Quốc đang làm gì ở thị trường bất động sản Việt Nam?
Một góc của dự án Đông Sài Gòn được tập đoàn CFLD của Trung Quốc mua lại và đổi tên thành Swan Park
Gần đây nhất là hiện tượng Alpha King, một doanh nghiệp được giới thiệu đến từ Hong Kong. Dù mới xuất hiện, nhưng Alpha King đã gây tiếng vang trên thị trường khi công bố đầu tư và phát triển hàng loạt dự án nằm ở vị trí đắc địa trung tâm TP.HCM.
Theo thông tin trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty cổ phần phát triển bất động sản Alpha King được thành lập ngày 13/6/2012, với ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Công ty có trụ sở chính trên tại số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM, người đại diện theo pháp luật là ông Chan Min Simon, Tổng giám đốc là ông Cheung Clarence Leonard. Các cổ đông chính là Alpha King Investment Limited (trụ sở tại Hồng Kông) giữ 93,3%, hai cá nhân người Hoa Li Yibin và Chiu Keung Kenneth mỗi người nắm 3,3%.
Hiện tại, Alpha Kinh đang phát triển một loạt dự án như Alpha City là quần thể bao gồm ba hạng mục Alpha Hill (căn hộ cao cấp), Alpha Mall (trung tâm mua sắm) và Alpha Tower (cao ốc văn phòng). Dự án nằm ở khu đất vàng rộng hơn 8.000m2 góc Nguyễn Cư Trinh – Cống Quỳnh (quận 1, TPHCM).
Kế cận Alpha City là một dự án khác mang tên Alpha Hill cao 35 tầng đang được Alpha King xây dựng tại số 289 Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM)
Nổi bật hơn cả là dự án nằm góc đường Nguyễn Hữu Cảnh – Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM) mang tên The Centenial. Dự án này nằm trên một phần nền cũ của cảng Ba Son. Trước khi về tay Alpha King khu đất này thuộc về Tập đoàn Vingroup.
Ngoài những dự án trên, Alpha King cũng được “đồn đoán” có mối liên hệ mật thiết với đế chế bí ẩn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan và có liên quan đến hàng loạt dự án khác nằm ở khu vực trung tâm TP.HCM như: SJC Tower, Saigon One Tower, Sài Gòn Mê Linh Tower…
Nếu như Alpha King được xem như “người mới” thì những cái tên như  CT&D, Sunwah Group, Hong Kong Land đã có lịch sử khá dày dặn ở thị trường bất động sản Việt Nam.
CT&D có trụ sở chính ở Đài Loan, ở Việt Nam doanh nghiệp này được ví như là “cha đẻ” của khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM). Cụ thể, Công ty Phú Mỹ Hưng được thành lập từ năm 1993 là liên doanh giữa tập đoàn CT&D  và công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), với tỉ lệ góp vốn tương ứng 70/30.
Có mặt ở Việt Nam từ năm 1975, Sunwah Group (Hong Kong) đến nay đã và đang phát triển nhiều dự án nổi bật như  Sunwah Tower, Saigon Pearl (liên doanh), Sunwah Pearl…
Một tên tuổi quen mặt khác là Hong Kong Land cũng đã xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 1990. Hiện nay, doanh nghiệp này đang hợp tác với SonKim Land phát triển nhiều dự án như Nassim, Sonkim Land Thủ Thiêm và Sonkim Land Village tại quận 2, TP.HCM. Bên cạnh đó, Hong Kong Land cũng đang hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) phát triển dự án Thu Thiem River Park và Riverfront Residences.
Không chỉ tập trung ở TP.HCM, những nhà đầu tư có yếu tố Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh thâu tóm các dự án bất động sản ở các tỉnh thành lân cận. Trong đó, nổi bật là tập đoàn China Fortune Land Development (CFLD). Hiện CFLD đang phát triển hai dự án có quy mô rất lớn ở khu vực Nhơn Trạch (Đồng Nai) là Swan Park và Swan Bay.
Dự án Swan Park trước đây có tên Đông Sài Gòn do Công ty cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch (liên doanh giữa Công ty TNHH MTV Tín Nghĩa và Công ty Cao su công nghiệp Đồng Nai) làm chủ đầu tư. Dự án từng gây choáng bởi quy mô lên đến hơn 940ha và vốn đầu tư được công bố tới 6 tỉ USD. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai chậm chạp thì năm 2016, CFLD đã tham gia và đổi tên thành Swan Park.
Trong khi đó, dự án Swan Bay được CFLD mua lại từ quỹ đầu tư VinaCapital, dự án này trước đây có tên là Đại Phước Lotus.

Friday, December 7, 2018

Cuối năm, cảnh giác với chiêu trò của cò đất

Nắm bắt tâm lý muốn mua nhà đất cuối năm của khách hàng, nhiều môi giới, cò đất tung chiêu dụ dỗ, thậm chí lừa gạt để người mua sập bẫy.
Cuối năm, cảnh giác với chiêu trò của cò đất
Giao dịch đất nền luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi gặp phải cò đất, môi giới "tung chiêu"
Bình mới, rượu cũ
Sau đám cưới, anh Vương bắt đầu tìm kiếm một mảnh đất để xây nhà. Đang có trong tay 2 tỉ đồng, lại không muốn phải vay ngân hàng nên anh Vương xác định khu vực sẽ mua thuộc quận Thủ Đức hoặc quận 9. Anh lên mạng đọc các thông tin rao bán đất ở những khu vực này, nhưng khá bối rối bởi thông tin thì nhiều nhưng không có cơ sở để xác thực.
“Mình mua nhà để ở nên muốn tìm khu vực ổn định, giá cả phù hợp và đặc biệt pháp lý chắc chắn. Nhưng thông tin trên mạng rao bán mình không biết đâu mà lần”, anh Vương nói.
Một lần, anh Vương đọc được thông tin rao bán mảnh đất có diện tích 60m2 tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức với mức giá chỉ 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi gọi điện thăm dò thì anh biết mình đang bị lừa.
“Họ nói mức giá chỉ 20 triệu/m2 nhưng thực tế là 25 triệu/m2, vị trí của dự án cũng không phải ở Thủ Đức mà tại Bình Dương. Hỏi tại sao thì họ kêu đó cách để thu hút người mua. Mình đòi xem giấy tờ pháp lý dự án thì họ không đồng ý, kêu phải xuống tận dự án mới cho xem. Những người này không dùng zalo, và một bài nói chuyện y chang nhau”, anh Vương bức xúc.
Thực tế câu chuyện mà anh Vương gặp phải xảy ra rất nhiều, đặc biệt với phân khúc đất nền. CafeLand từng nhận được phản ánh của nhiều khách hàng về việc họ bị một số công ty môi giới đất nền lừa xuống tận Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu để mua đất.
Chị L, một nạn nhân cho biết, vào khoảng tháng 8/2017, chị có nhu cầu mua đất tại quận 9 (TP.HCM). Do đó, chị đã liên hệ với nhân viên kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh bất động sản UniLand và được hẹn đưa đi xem đất tại quận 9, TP.HCM vào sáng chủ nhật.
“Họ hẹn ở quán cafe cạnh siêu thị BigC quận 2 để đưa tôi đi xem đất ở quận 9. Sau khi gặp mặt, nhân viên bán hàng giới thiệu về công ty Uniland, thuyết phục đi theo xe đưa rước của họ ra tận Vũng Tàu để xem dự án The Unicity. Thực chất là dự án Lan Anh 5. Đây là dự án của Chủ đầu tư Lan Anh chứ không phải chủ đầu tư là Uniland như họ quảng bá”, chị L cho biết.
Anh Bình, một nhà đầu tư bất động sản cho rằng, chiêu thức dẫn dụ khách hàng như trên đều theo một công thức chung. Sau khi hẹn khách tại một địa điểm những công ty này thường dồn họ lên xe và đưa đến dự án ở một vị trí khác xa hơn nhiều. Khách hàng vì đã lên xe nên đành ngậm ngùi chịu trận. Trong khi đó, những nhân viên môi giới, trong đó có bộ phận không nhỏ được cài cắm trong vài khách hàng sẽ liên tục tạo hiệu ứng, và đưa ra cam kết, phần thưởng hấp dẫn. Do đó, nhiều người không vững tâm lý, hám lời sẽ sập bẫy.
Dựa hơi ông lớn để bán hàng
Hiện nay, trên các gốc cây, cột điện thuộc nhiều tuyến đường tại TP.HCM, xuất hiện rất nhiều những băng rôn rao bán nhà đất với nội dung “đất ngân hàng cần thanh lý”.
Anh Quang (ngụ Tân Bình) đang có nhu cầu mua đất nền nên đã tìm hiểu nhiều kênh. Sau khi thấy thông tin đất ngân hàng thanh lý, nghĩ rằng giá đất sẽ phù hợp và tin tưởng vào độ pháp lý do ngân hàng bảo lãnh nên anh Quang đã liên hệ, nhưng kết quả nhận lại không gì khác ngoài sự hoang mang.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân cho biết, nếu ngân hàng muốn bán hoặc phát mãi những tài sản của mình thì thường đăng tải thông tin công khai và rõ ràng trên các website chính thức của họ. Khách hàng muốn mua những tài sản này thì nên tìm hiểu cặn kẽ, đến tận ngân hàng để đối chứng, tránh nghe theo thông tin quảng cáo mập mờ như trên.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn phải “kêu trời” vì liên tục bị nhiều đối tượng lợi dụng hình ảnh, thương hiệu để bán hàng.
Cụ thể, Công ty cổ phần địa ốc Him Lam (Him Lam Land) cho biết, gần đây họ liên tục nhận được các cuộc gọi của khách hàng để tìm hiểu về dự án như Him Lam Bình Chánh”, “Him Lam Nam Sài Gòn”… khách hàng cho biết, họ biết được thông tin các dự án trên thông qua tờ rơi được phát ở nhiều tuyến đường tại TP.HCM.
Tuy nhiên, đại diện Him Lam khẳng định công ty không phát triển bất kỳ dự án nào có tên như vậy và khuyến cáo khách hàng tránh sập bẫy.
Trước đó, Công ty cổ phần đầu tư Nam Long đã “tố cáo” Công ty cổ phần đầu tư phát triển Nam Long Real (Nam Long Real) - một đơn vị không có bất kỳ mối quan hệ sở hữu nào với Công ty cổ phần đầu tư Nam Long - đã có hành vi sử dụng trái phép và xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu “Nam Long”.
Cụ thể, Nam Long Real đã sử dụng biển hiệu, giấy tờ giao dịch và phương tiện kinh doanh (trang thông tin điện tử namlongreal.vn) khi thực hiện các giao dịch chuyển nhượng đất nền tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An, … Hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị này không chỉ gây ra hiểu nhầm cho nhiều khách hàng mà còn phương hại nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu đã được tạo dựng và phát triển lâu nay của Tập đoàn Nam Long.
Ngay sau đó, đoàn thanh tra bao gồm đại diện Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về kinh tế và tham nhũng thuộc Bộ Công An đã tiến hành thanh, kiểm tra tại trụ sở của Nam Long Real.
Sau đó, các cơ quan chức năng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng đối với Nam Long Real, do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu "Nam Long" đang được bảo hộ độc quyền của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long.
Theo Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM), với những trường hợp bị lợi dụng danh tiếng, thương hiệu thì doanh nghiệp có thể dựa vào pháp lý để bảo vệ quyền lợi.

Cụ thể, căn cứ vào Điều 592, Bộ luật Dân sự để yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường thiệt hại do việc sử dụng uy tín công ty trái phép nhằm lừa đảo người khác. Thiệt hại do uy tín bị xâm phạm, bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.
Còn về trường hợp đối tượng có hành vi lợi dụng danh tiếng công ty để lừa đảo gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Friday, November 30, 2018

Dân chưa hài lòng về thủ tục nhà đất

Tại một hội nghị về công tác cải cách hành chính mới đây, ông Huỳnh Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, phát biểu bày tỏ sự hoài nghi đối với kết quả khảo sát chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp (DN) về giải quyết hồ sơ hành chính trong một số lĩnh vực tại các sở/ngành và quận/huyện.
Dân chưa hài lòng về thủ tục nhà đất
Ông Hùng nói: “TPHCM đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu nâng mức độ hài lòng của người dân, DN về thủ tục hành chính đạt mức trên 80%. Thế nhưng, đến nay đã có một số sở/ngành, quận/huyện báo cáo đạt vượt con số này, có quận/huyện đạt tỷ lệ lên đến hơn 90% người dân hài lòng trong giải quyết hồ sơ nhà đất. Qua kiểm tra thì hoàn toàn khác, không phải đạt tỷ lệ cao ngất ngưởng như báo cáo”.
Theo ông Huỳnh Công Hùng, tổng số hồ sơ nhà đất còn tồn đọng chưa giải quyết cho người dân ở các quận/huyện hiện nay là rất lớn, chỉ riêng tại huyện Hóc Môn đã là hơn 500 hồ sơ. Nhiều hồ sơ trong số này đủ điều kiện cấp giấy, nhưng không hiểu sao không giải quyết cho dân.
Ông Hùng nói: “Tình trạng trễ hẹn vài tháng đến vài năm ở một số quận/huyện là khá phổ biến. Không chỉ trễ hẹn, nhiều nơi còn gây khó khăn, đến ngày hẹn nhận kết quả thì lại yêu cầu bổ sung thêm giấy tờ này, thủ tục kia, khiến người dân rất bức xúc”.
Từ vấn đề ông Hùng đặt ra, chúng tôi đã tìm hiểu thực tế tại văn phòng đăng ký đất đai ở một số quận/huyện và ghi nhận nhiều phản ánh của người dân về trăm kiểu khó khi làm giấy tờ nhà đất. Đầu tiên là lập bản vẽ hiện trạng nhà đất, kiểu gì cũng bị trả về 2, 3 lần với đủ lý do, nào là sai diện tích, xác định lại ranh, bản vẽ quá thời hạn…
Thế nhưng, các bản vẽ được thực hiện tại đơn vị mà cán bộ tiếp nhận hồ sơ giới thiệu thì rất nhanh, không phải vẽ lại. Nhiều trường hợp người dân phản ánh, cán bộ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu ghi số điện thoại trong biên nhận hẹn nhận kết quả, mấy ngày sau có người gọi đến xin gặp để “tư vấn” giải quyết nhanh.

Mức giá “dịch vụ” đưa ra không nhỏ, với cam kết thời gian nhận được kết quả nhanh nhất, có trường hợp chỉ 5 ngày sau. Còn tình trạng cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại văn phòng đăng ký đất đai một số quận/huyện giới thiệu các doanh nghiệp nhận ủy thác đi nộp hồ sơ nhà đất là khá phổ biến.
Do muốn nhanh và tránh những phiền hà, rắc rối, nhiều người dân đã chọn cách này với giá thỏa thuận trong hợp đồng ủy thác cũng không nhỏ chút nào…
Từ thực tế trên cho thấy, nhận định của ông Huỳnh Công Hùng về chỉ số hài lòng của người dân và DN về giải quyết hồ sơ hành chính trong một số lĩnh vực chưa chính xác là đúng.
Các cơ quan thẩm quyền cần tăng cường kiểm tra, giám sát cơ quan hành chính các cấp, nhất là về chỉ số hài lòng của người dân đối với các thủ tục hành chính, trong đó có lĩnh vực giải quyết hồ sơ nhà đất; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tự đặt ra thủ tục để tiêu cực, làm khó dân.

Bộ Xây dựng yêu cầu 11 địa phương báo cáo việc bảo lãnh mua nhà “trên giấy”

Bộ Xây dựng vừa có băn bản yêu cầu 11 UBND tỉnh, thành phố báo cáo về tình hình thực hiện bảo lãnh trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản (hay còn gọi là mua nhà “trên giấy”) trước ngày 14/12.
Ảnh minh hoạ.
Theo yêu cầu, các địa phương phải báo cáo cụ thể thông tin các dự án gồm tên dự án, chủ đầu tư, địa điểm, quy mô dự án đã được phê duyệt (gồm tổng mức đầu tư; tổng diện tích đất; tổng số nhà ở theo thiết kế);  
Bên cạnh đó, các địa phương phải báo cáo tình hình kinh doanh của dự án (gồm số lượng nhà ở hình thành trong tương lai đã bán; số lượng nhà ở hình thành trong tương lai chưa bán; văn bản của Sở Xây dựng về việc dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai). 
Đồng thời, nội dung báo cáo cũng bao gồm tình hình thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai của dự án (tên ngân hàng cam kết bảo lãnh; hợp đồng/cam kết cấp bảo lãnh của ngân hàng; số lượng chứng thư bảo lãnh đã phát hành đối với từng hợp đồng).    

Bộ cũng yêu cầu địa phương báo cáo những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện quy định pháp luật về bảo lãnh trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và những đề xuất, kiến nghị của địa phương.